Lịch sử Hohhot

Hohhot được hãn Altan (Yêm Đáp) thành lập khoảng năm 1580 với tên gọi Köke Khota[2]. Hãn Altan và những người kế vị ông đã xây dựng đền miếu và pháo thành trong các năm 1579, 1602 và 1727. Người Mông Cổ tümet từng có cuộc sống bán-nông nghiệp tại đây. Các thương nhân người Hồi tập hợp lại ở khu vực phía bắc cổng thành, xây dựng một nhà thờ Hồi giáo năm 1693. Các hậu duệ của họ tạo thành hạt nhân của quận người Hồi ngày nay.

Nhà Thanh đã xây dựng một thị trấn có quân đồn trú mạnh gần Hohhot, để kiểm soát khu vực tây nam Nội Mông Cổ giai đoạn năm 1735-1739. Năm 1913, chính quyền Trung Hoa dân quốc đã hợp nhất thị trấn này với Hohhot với tên gọi mới là Quy Tuy (歸綏). Với sự xâm chiếm của đế quốc Nhật Bản năm 1937, thành phố này được đổi tên thành Hohhot. Sau Thế chiến II, chính quyền tự trị của Đức vương Demchugdongrub tại Hohhot đã đầu hàng Trung Hoa dân quốc.

Cho tới năm 1954, Hohhot được người Trung Quốc gọi là Quy Tuy (歸綏 Guīsuī hay Kweisui), là từ ghép của 2 quận trong thành phố:

  • Quy Hóa (歸化, phép bính âm bưu chính Kwei-hwa): khu vực cổ phía đông nam, khu vực kinh doanh, do hãn Altan lập năm 1580.
  • Tuy Viễn (綏遠): khu vực "phố mới" phía đông bắc, quận hành chính. Do người Mãn lập ra trong thế kỷ 17.

Hai khu vực này sau đó trở thành huyện Quy Hóa (歸化縣) của nhà Thanh, đổi thành huyện Quy Tuy (歸綏縣) năm 1913, và nâng cấp lên thành thành phố năm 1950. Nó là thủ phủ của tĩnh cũ gọi là Tuy Viễn. Năm 1952, dưới thời chủ tịch Nội Mông Cổ Ulanhu (乌兰夫 / Ô Lan Phù), thành phố trở thành thủ phủ của Nội Mông Cổ. Tỉnh Tuy Viễn bị sáp nhập vào khu tự trị Nội Mông Cổ 2 năm sau đó.

Thành phố này có sự phát triển đáng kể kể từ khi người Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa. Khu vực xa về phía đông của thành phố bắt đầu phát triển khoảng từ năm 2000 và hiện nay có hồ nhân tạo gọi là hồ Như Ý, một lượng lớn nhà chung cư, các tòa nhà của chính quyền thành phố và phần lớn các tòa nhà của chính quyền khu tự trị. Sân vận động thành phố Hohhot ở gần trung tâm thành phố.